Ngoài phim, truyện,… thi thoảng mình có xem realty show, một phần để giải trí, một phần để có câu chuyện bắt trend với các cháu team mình. Đa phần các show sẽ có kịch bản, tạo drama để hút traffic nên không đọng lại được gì nhiều ngoài đống meme để đi comment dạo hay chế hình. 😗 Thế nhưng The New Mentor năm nay lại có nhiều điểm khác biệt khiến mình thực sự thích thú.
The New Mentor là gì? Vì sao mình thích?
Cho bạn nào chưa biết hoặc không quan tâm.
The New Mentor là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm và đào tạo ra một thế hệ người mẫu với những tố chất mới, phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới của thị trường. Đây là chương trình đầu tiên đào tạo ra các Host và Mentor tại Việt Nam.
Tạm thời không đề cập đến câu chuyện hậu trường, đời tư của celeb hay chuyên môn của nghề người mẫu, The New Mentor là một trong những chương trình truyền hình thực tế (và cả không thực tế) hiếm hoi chú trọng đến yếu tố lãnh đạo - leadership trong công việc. (*)
Hay từ concept, chiến lược đến thông điệp!
-
Concept độc đáo: Nhà sản xuất cho biết chương trình sẽ không đào tạo kỹ năng ban đầu, do đó hứa hẹn đây là sân chơi của những gương mặt ít nhiều đã có kinh nghiệm trên sàn catwalk. Ở mỗi tập, người chơi sẽ được trải nghiệm, tiếp xúc một lĩnh vực mới để đưa ra kỹ năng xử lý, thích nghi với các tình huống. Từ đó, chọn ra người mẫu nổi bật làm “thủ lĩnh”, huấn luyện viên toàn năng mới.
-
Chiến lược thông minh: Hương Giang thực sự thông minh khi xây dựng một sân chơi đầy ý nghĩa mà còn giúp nâng tầm chương trình và hình ảnh bản thân lên cao hơn rất nhiều.
- Thông điệp nhân văn: Ngoài việc tạo điều kiện cho các senior-model, những người “khát khao” bước lên một bậc thang nữa trong sự nghiệp - trở thành mentor / host, chương trình cũng giúp các người mẫu trả lời những câu hỏi:
- Vì sao tôi có nhiều năm kinh nghiệm nhưng vẫn chưa gặt hái được thành công?
- Có phải cứ nhiều năm kinh nghiệm là sẽ trở thành leader không? Sống lâu liệu có lên được lão làng?
- Các bạn trẻ làm leader sẽ như thế nào?
- Để trở thành mentor / host (hay leader), chúng ta cần những tố chất nào?
(*) Thực ra, có một sự khác biệt tương đối lớn giữa Teaching, Training, Mentoring & Coaching. Trong phạm vi bài viết này và chương trình, yếu tố mentor được sử dụng như một sự hướng dẫn nói chung.
Cùng điểm qua các kỹ năng, tố chất mà mình đã học được từ The New Mentor nha. 📒
Kỹ năng Điều phối & Thấu hiểu đồng đội
Trong Tập 2, team Thanh Hằng đề cử Mai Ngô trở thành mentor. Với kinh nghiệm đã từng làm mentor ở chương trình truyền hình thực tế, Thanh Hằng tin tưởng giao trọng trách cho Mai Ngô với chiến thuật “đầu xuôi đuôi lọt”. Bên kia chiến tuyến, các Super Mentor Hồ Ngọc Hà, Hương Giang, Lan Khuê giao phó vị trí này cho Như Vân, Trà My, Pông Chuẩn. Kết quả thực sự trái ngược, Mai Ngô & Pông Chuẩn thể hiện tốt vai trò của mình, trong khi Như Vân & Trà My thực sự lóng ngóng khi lên set, thậm chí trình bày lan man, dông dài mất thời gian của cả đội.
Tiếp tục, trong Tập 3, Cao Ngân và Thu Trang lần lượt là 2 New Mentor sẽ lead team Hương Giang và Lan Khuê. Đều là những người mẫu chinh chiến lâu năm trong ngành. Nhưng những nhận xét: “Cực kỳ bình tĩnh, sắp xếp mọi người vào những vị trí rất đúng, phân bổ thời gian hợp lý để team tập được nhiều nhất” lại dành cho đại diện team Lan Khuê, trong khi Cao Ngân thực sự rối bời, vụng về.
Để sắp xếp được ai đứng ở đâu, pose dáng nào, cần hiểu điểm mạnh, hạn chế của mỗi thành viên: cao hay thấp, góc mặt nào đẹp hơn, style commercial, high fashion hay beauty queen, trang phục sáng hay tối để không bị hòa vào background,… Tương tự như vậy, ở bên ngoài, leader xịn cần thực sự thấu hiểu đồng đội, biết đặc tính của từng bạn để đặt vào đúng nơi phát huy tiềm năng. Mình vẫn hay nói vui, team mạnh không phải ai cũng mạnh, mà là team phối hợp hài hòa, nhịp nhàng. 3♠️ mà biết chơi thì vẫn ăn trắng như thường. 😌
→ Leader cần có khả năng phân công công việc cho đội nhóm một cách hợp lý và hiệu quả, cách xác định và phân tích các nhiệm vụ, mục tiêu và tiến độ, đồng thời lựa chọn và ủy quyền cho những người có khả năng và năng lực thích hợp.
We are looking for a New Mentor. If you wanna be a mentor, you have to help the other people to.
Cris Horwang @ The New Mentor / Ep.03
Kinh nghiệm & Kỹ năng Thị phạm
Thị phạm là một phương pháp sư phạm - một người làm động tác mẫu cho người khác quan sát, bắt chước để làm theo. Ví dụ:
- Cô giáo viết chữ mẫu cho học sinh viết theo.
- Senior Intern cho Junior Intern xem cách query data.
- PT làm động tác pull up mẫu.
- …
Để có thể thị phạm tốt, bản thân người thị phạm phải vững chuyên môn, kinh nghiệm và đã từng kinh qua các công việc tương tự. Nhìn lại dàn Super Mentor, từ Thanh Hằng, Hồ Ngọc Hà đến Hương Giang, Lan Khuê trong bất kỳ thử thách ở Proving Area nào cũng là người trực tiếp đứng ra làm mẫu, hướng dẫn các thành viên trong team. Rõ ràng nhất trong Tập 5 & 6, Bảo Ngọc và Lâm Châu - 2 bạn trẻ tham gia cuộc thi lộ rõ sự đuối sức vì chưa từng có kinh nghiệm ở vai trò dẫn dắt.
→ Leader không nhất thiết phải là người giỏi chuyên môn nhất, nhiều kinh nghiệm nhất - nhưng chắc chắn phải có chuyên môn, kinh nghiệm vững vàng mới có thể thị phạm, hướng dẫn, khiến mọi người nể phục và nhất là thấu hiểu team.
Ví dụ: Một Product Manager có thể không thường xuyên viết detail document vì cần dành thời gian ưu tiên vào strategy, planning,… nhưng không có nghĩa là không biết viết. Thậm chí, khi cần có thể viết và viết tốt và hướng dẫn người khác viết tốt chứ không thể lấy lý do vì mình là lead, là manager nên những phần này, phần kia không biết làm.
→ Hay nói rộng hơn, leader xịn phải lãnh đạo bằng gương, tức là làm điều mình nói và nói điều mình làm. Leader phải là người đi đầu, thể hiện các giá trị, thái độ và hành vi mong muốn trong tổ chức. Rất khó để yêu cầu team đi làm đúng giờ nếu chính bản thân mình cũng không tuân thủ đúng không?
Xem thêm: MovieShow - Mình học được gì từ The New Mentor (Phần 2)
Workation = Work + Vacation / Station - Series các bài viết về chuyện đi làm nói chung. Hy vọng có thể giúp anh chị em được phần nào reflect và share kinh nghiệm. Để đi làm vui như đi chơi.